Hệ sinh thái Apple gặp hạn: Vị thế độc quyền bị phá vỡ, người dùng được tải ứng dụng bên ngoài App Store, doanh số từ iPhone ảm đạm - Ngọc Nguyễn Store

Hệ sinh thái Apple gặp hạn: Vị thế độc quyền bị phá vỡ, người dùng được tải ứng dụng bên ngoài App Store, doanh số từ iPhone ảm đạm

Ngọc Nguyễn Store 9 tháng trước 263 lượt xem

    Hoạt động kinh doanh phần cứng của Apple đang giảm sút, trong khi doanh số một số thiết bị chững lại.
    Giám đốc điều hành Tim Cook đã biến Apple trở thành gã khổng lồ công nghệ nhờ hệ sinh thái tích hợp đa tiện ích và dịch vụ. Chiến lược này, dù đã mang về nguồn doanh thu khổng lồ mỗi năm, song lại đang ngày càng bộc lộ những điểm yếu của mình.

    Hoạt động kinh doanh phần cứng của Apple đang giảm sút, trong khi doanh số một số thiết bị chững lại. Để cải thiện tình hình, công ty dần phụ thuộc vào mảng dịch vụ đang phát triển, bao gồm đăng ký, phí hoa hồng từ App Store và những thứ tương tự khác. Về lâu dài, chiến lược này có thể sẽ phản tác dụng.

    Hệ sinh thái của Apple ‘rộng rãi’ một cách bất thường so với các tiêu chuẩn của ngành. Mọi thứ đều được tích hợp, cả phần cứng và phần mềm, vậy nên khiến khách hàng của Apple rất khó sử dụng thiết bị bên ngoài hoặc chuyển hoàn toàn sang một hệ sinh thái cạnh tranh.

    Apple tích cực chăm lo hệ sinh thái để đảm bảo lợi nhuận, song điều này ngày càng khiến các công ty và cơ quan quản lý tức giận. Phản ứng của Apple thậm chí còn có nguy cơ khiến mọi thứ thêm nghiêm trọng.

    Kết quả, cơ ngơi trị giá 3 nghìn tỷ USD giờ đây phải tuân thủ theo phán quyết của tòa án. Cụ thể, hãng phải cho phép người dùng tải các ứng dụng từ bên ngoài App Store sau nhiều năm sẵn sàng mạo hiểm duy trì chính sách. Để hiểu lý do vì sao Apple ‘liều mình’ như vậy, chúng ta chỉ cần nhìn vào con số doanh thu khổng lồ mà hệ sinh thái nhà Táo khuyết mang lại.

    Trong quý III năm 2023, doanh thu dịch vụ, bao gồm tiền hoa hồng trên App Store và hàng tỷ USD Google trả cho Apple để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của hãng, lên tới hơn 22 tỷ USD, tức ¼ tổng doanh thu Apple. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple trên mảng dịch vụ là khoảng 70% so với mảng phần cứng dưới 40%.

    Trong khi doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng đều đặn, doanh thu phần cứng của Apple nhìn chung không mấy thay đổi, thậm chí còn giảm. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về doanh số bán thiết bị theo mùa và một vài yếu tố khác.

    Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Vào đầu năm, một nhà phân tích tại Barclays cảnh báo rằng doanh số bán iPhone nói chung đang khá mờ nhạt. Apple sau đó buộc phải giảm giá iPhone tại Trung Quốc, đồng thời loại bỏ cảm biến đo nồng độ oxy trong máu khỏi đồng hồ thông minh để tuân thủ một phán quyết về tranh chấp bằng sáng chế. Sản phẩm lớn tiếp theo của Apple, kính thực tế ảo Vision Pro trị giá 3.500 USD, được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà Táo trong khoảng thời gian dài.

    Ở một khía cạnh nào đó, đang có những mối đe dọa tiềm tàng đối với doanh thu phần cứng của Apple. Tập đoàn buộc phải cải thiện doanh thu từ mảng dịch vụ của mình để bù đắp.

    Apple luôn được biết đến với khả năng giới thiệu các công nghệ mới định hình ngành công nghiệp. Điều này đã được thể hiện rõ trong các phiên bản trước đây, song một số tranh cãi xoay quanh việc đổi mới của hãng vẫn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tổng doanh thu dù công ty có lượng khách hàng trung thành lớn đến mấy.

    Theo công ty nghiên cứu IDC, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm 7,8% trong quý II/2023. Các thiết bị gập không thể ngay lập tức thay đổi điều đó bởi IDC ước tính chúng chỉ chiếm 1% tổng số lô hàng toàn cầu, song dự kiến sẽ tăng hơn 50% trong năm nay.

    “Nếu muốn thay đổi cuộc sống của mình, tại sao bạn lại chi thêm 1.000 USD chỉ để mua cùng một chiếc điện thoại?”, ông Eiji Araki, giám đốc điều hành một công ty công nghệ Nhật Bản nói và cho biết đã chuyển từ chiếc điện thoại thông minh thông thường sang Pixel Fold của Google.

    Theo Paul Haddad, nhà phát triển đứng đằng sau các ứng dụng mạng xã hội Tweetbot và Ivory, nhiều khoản hoa hồng cho App Store không hề công bằng. Ông nhấn mạnh con số 27% là vô cùng vô lý.

    “Hãng cố gắng tỏ ra công bằng nhưng sẽ luôn thất bại cho đến khi hạ mức hoa hồng xuống 5% đến 10%”, Paul Haddad nói.

    “Apple đang chặn hoàn toàn tựa game ‘Fortnite’ khỏi 1 tỷ người dùng. Không có cách nào khác để tải ‘Fortnite’ trên iPhone của bạn và điều đó thật đáng trách. Đã đến lúc phải thay đổi. Các nhà sản xuất Apple, Google kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán thiết bị của họ và không có lời giải thích nào cho việc cắt 30% từ các nhà phát hành”, founder Epics Game - chủ tựa game Fortnite cho biết.

    Đây không phải là lần đầu tiên một nhà phát triển ứng dụng cố gắng thoát khỏi “Thuế Apple”, nơi 30% phí họ nhận được sẽ chi cho App Store. Nhiều nhà phát triển của các ứng dụng nổi tiếng khác, điển hình là Spotify cũng đứng về phía Epic Games.

    “Chúng tôi tán dương quyết định của Epic Games trong việc chống lại Apple cũng như làm sáng tỏ việc hãng này lạm dụng vị thế thống trị của mình”, đại diện của Spotify cho biết.

    Được biết trước đó, ông trùm trò chơi điện tử Tim Sweeney, CEO Epic Games, đã đánh bại gã khổng lồ Google trong phiên tòa cáo buộc vị thế độc quyền. Chiến thắng được cho là có thể khiến “cỗ máy in tiền” của Apple chịu thiệt hại. Đó là chưa kể đến những hiểm họa khác khi nhà Táo khuyết mất sự độc quyền truy cập tệp khách hơn 1 tỷ người dùng.

    Trong khi đó, theo nhà phân tích Horace Dediu, doanh thu từ mảng dịch vụ của Apple có thể sẽ tiếp tục tăng và một ngày nào đó lu mờ doanh thu công ty này kiếm được từ iPhone. Kính thực tế ảo Vision Pro cũng là một trong số những yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng.

    “Tôi nghĩ mục tiêu của Apple hiện nay là thu được càng nhiều tiền càng tốt từ hệ sinh thái của mình”, Horace Dediu nói.

    Nguồn: Internet

    Tin Liên Quan

    Bình luận bài viết

    • Hãy là người bình luận đầu tiên !
    call Zalo