Nhìn những con số này, Apple không ưu ái thị trường Việt Nam mới lạ
Trong bối cảnh toàn thị trường sụt giảm đến 30% doanh số, iPhone của Apple vẫn tăng trưởng mạnh.
Báo cáo mới đây của Counterpoint Research đã tiết lộ một vài thông tin đáng chú về thị trường di động Việt Nam.
Theo đó, trong số 5 thị trường tiêu thụ lớn tại khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia, Việt Nam chính là thị trường có sự sụt giảm doanh số mạnh nhất, tính theo lượng smartphone nhập khẩu về nước.
Cụ thể, mức sụt giảm của thị trường Việt Nam trong quý I/2023 được ghi nhận là 30%, tiếp đến là Malaysia (giảm 29%), Philippines (giảm 10%), Indonesia (giảm 7%) và Thái Lan (giảm 1%). Mức sụt giảm trung bình tại Đông Nam Á trong quý vừa qua là 13%.
Smartphone nhập khẩu về các thị trường Đông Nam Á trong quý I/2023 giảm 13%, trong đó Việt Nam sụt giảm mạnh nhất (30%).
The hãng nghiên cứu thị trường này, sở dĩ lượng smartphone nhập về Việt Nam sụt giảm mạnh là do trong quý IV/2022, thị trường đã nhận một lượng hàng lớn. Do đó, các OEM phải giảm sản lượng trong quý IV để phù hợp với nhu cầu.
Mặc dù vậy, các sản phẩm iPhone của Apple vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh doanh số, theo Counterpoint Research. “iPhone tại Việt Nam vẫn đang tăng trưởng. Nhu cầu cho các sản phẩm iPhone 13, 14 series là rất tốt trong quý I/2023”, hãng nghiên cứu này viết trong báo cáo của mình. Ngoài Việt Nam, Indonesia cũng là một thị trường khác ghi nhận doanh số tăng.
Đáng nói, Apple là hãng sản xuất lớn duy nhất trong top 6 ghi nhận tăng trưởng dương tại Đông Nam Á trong quý I với mức tăng 18%. Các hãng sản xuất còn lại đều sụt giảm, lần lượt là 16% với Samsung, 10% với Oppo, 26% với Vivo, 13% với Xiaomi và 5% với Realme.
Apple là hãng sản xuất duy nhất tăng trưởng dương tại Đông Nam Á trong quý I.
Với việc doanh số iPhone tăng trưởng tốt, việc Apple tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam là điều không khó hiểu. Mới đây vào ngày 18/5, cửa hàng Apple Store online đã chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam, cho phép người dùng trong nước đặt mua tất cả sản phẩm và dịch vụ của hãng, trong đó có cả một số sản phẩm dạng tùy biến riêng mà trước đây rất khó để mua được từ các nhà bán lẻ chính hãng.
Mặc dù giá niêm yết của các sản phẩm Apple trên Store online đa phần nhỉnh hơn so với giá bán lẻ bên ngoài nhưng theo nhiều người, sự hiện diện của Apple Store online hoàn toàn không phải để cạnh tranh với chính các đối tác của Apple mà nó như một dấu hiệu cho thấy mức độ quan tâm của nhà sản xuất đến thị trường đã được nâng lên một cấp độ mới.
Người dùng trong nước kỳ vọng sẽ sớm có một cửa hàng Apple Store cho thị trường Việt Nam.
Sau Apple Store online, người dùng trong nước kỳ vọng hãng sẽ mở một cửa hàng bán lẻ chính thức (Apple Store) tại Việt Nam, giống với tại Singapore hay Thái Lan. Giới thạo tin trong nước khẳng định hãng vẫn liên tục tìm và lựa chọn địa điểm để mở cửa hàng này bởi tiêu chuẩn để mở một Apple Store của Apple là rất cao. Cửa hàng đó thường phải nằm ở vị trí đắc địa trên các tuyến phố trung tâm bậc nhất tại các thành phố lớn, lại phải có diện tích đủ rộng và thường đặt cạnh hàng loạt thương hiệu xa xỉ khác.
Trước đó, báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường IDC cũng khẳng định Apple là điểm sáng hiếm hoi của thị trường smartphone Việt Nam trong năm 2022 khi là nhà sản xuất lớn duy nhất tăng trưởng dương.
Nguồn: Internet
Bình luận bài viết